Tập huấn Quản lý đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế từ nguồn tài nguyên, đầu tư sang nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST). Bắt nhịp với xu hướng trên, Việt Nam cũng đã có Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Quyết định 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kế hoạch dựa trên các nền tảng về chính sách thúc đẩy KHCN, ĐMST nâng cao năng suất; Phát triển nguồn nhân lực KHCN, ĐMST, các tổ chức tư vấn giải pháp nâng cao năng suất và phát triển kỹ năng lao động phù hợp với nhu cầu đổi mới. Mục tiêu chiến lược cuối cùng nhằm giúp tăng năng suất, phát triển giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng hiệu quả và vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước và năng suất của doanh nghiệp tư nhân.

tập huấn 56000.jpg

Chiều ngày 29/07/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tổ chức lớp Tập huấn Quản lý đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 56000:2020.

Tham dự lớp tập huấn có bà Phạm Thị Nhâm – Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng và TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL, cũng là chuyên gia tư vấn trong chương trình. Ngoài ra, lớp tập huấn còn có gần 160 đại biểu đại diện lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ngành, cơ quan quản lý và đại diện lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho biết, trong những năm gần đây, nền kinh tế có xu hướng chuyển dịch từ phát triển dựa trên nguồn tài nguyên, nguồn vốn sang nền kinh tế dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST. Nhận thấy được điểm cốt lõi này, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến quản lý ĐMST cũng như các Sở, ngành, doanh nghiệp dần dần thay đổi nhận thức ĐMST trong cách tổ chức hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

Sau khi có quyết định số 36/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST, Sở KH&CN đã tiến hành các hoạt động như mời chuyên gia mở lớp tập huấn giới thiệu các tiêu chuẩn quốc tế về ĐMST. Hướng đến mục tiêu giúp mọi người có nhận thức về hoạt động ĐMST và tổ chức các sự kiện ở địa phương để nâng cao giá trị năng suất, công nghệ cũng như tạo ra giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, trong hai năm vừa qua, Sở KH&CN được giao hoạt động quản lý với vai trò Tổ trưởng Tổ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Sở nhận thấy các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp khá quan tâm, hăng say đến lĩnh vực nông nghiệp và các dịch vụ. Tuy nhiên, việc quản lý như thế nào về công nghệ và những điểm mới trong quy trình khởi nghiệp ĐMST chưa thực sự được nắm bắt quản lý, việc đăng kí tài sản trí tuệ cũng chưa có kiến thức bài bản. Chính vì vậy, tham gia buổi tập huấn sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp, dự án có thêm nhiều kiến thức để quản lý giá trị tài sản của mình trong nền kinh tế phát triển hiện nay.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL hướng dẫn nội dung lớp tập huấn
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL hướng dẫn nội dung lớp tập huấn

Nội dung buổi tập huấn đề cập đến Bộ tiêu chuẩn ISO 56000:2020 về ĐMST, cụ thể là 8 nguyên tắc về quản lý ĐMST bao gồm: hiện thực hóa giá trị, tầm nhìn tương lai của nhà lãnh đạo, định hướng chiến lược, văn hóa đổi mới sáng tạo, khai thác tri thức, quản lý rủi ro, khả năng thích ứng và phương pháp tiếp cận. Qua đó, chuyên gia còn phân tích đến 4 bước triển khai hệ thống quản lý ĐMST và 7 yếu tố chính của hệ thống quản lý ĐMST. Có thể kể đến các yếu tố như vấn đề bên ngoài và bên trong của tổ chức; sự cam kết, tầm nhìn và chiến lược về ĐMST của lãnh đạo; Lập kế hoạch dựa trên mục tiêu, cơ hội và rủi ro…

Tiêu chuẩn ISO 56000:2020 về quản lý đổi mới sáng tạo giúp tổ chức thiết lập một khuôn khổ chung, nhất quán và thống nhất. Từ đó, các đơn vị có thể hiểu về các khái niệm, nguyên tắc, thuật ngữ và định nghĩa quản lý ĐMST. Tiêu chuẩn này còn hỗ trợ tổ chức thiết lập, triển khai, duy trì và liên tục cải tiến IMS, với mục tiêu tạo điều kiện nâng cao nhận thức, thúc đẩy giao tiếp về hoạt động ĐMST trong nội bộ và giữa các tổ chức.

Nguồn: lamdong.gov.vn

Trong cùng mục
  • Cơ quan quản lý chương trình - Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
  • Địa chỉ: 08 – Hoàng Quốc Việt – Quận Cầu Giấy – Hà Nội
  • Số điện thoại thường trực: 024.37911626 – 024.37911642
  • Email: vukhtc@tcvn.gov.vn
Thống kê
  • 117016Tổng số lượt xem:
  • 2Số lượt xem trang:
  • 0Đang trực tuyến: